Skimming và Scanning là hai kỹ năng đọc vô cùng cần thiết mà các bạn học sinh sinh viên cần thành thạo. Hãy cùng EFU xem qua bài viết sau để hiểu rõ hơn về hai phương pháp giúp ích gì trong quá trình đọc hiểu nhé!
Nội dung bài viết:
Skimming là gì?
Skimming là phương pháp đọc lướt, sử dụng tốc độ di chuyển nhanh của mắt qua văn bản nhằm mục đích nắm được các ý chính và nội dung tổng quan của văn bản.
Các trường hợp nên sử dụng phương pháp Skimming
Khi có ít thời gian và ngược lại có quá nhiều tài liệu cần đọc
Khi đối diện với việc phải đọc hiểu một lượng tài liệu lớn trong thời gian ngắn, Skimming sẽ giúp người học tiết kiệm thời gian của mình bằng cách xác định được những phần quan trọng cần học hay nghiên cứu sâu, thay vì đọc dàn trải cả những phần không thật sự cần thiết.
Khi muốn tăng hiệu quả cho quá trình đọc hiểu
Bằng cách đọc lướt trước nội dung của văn bản hay một thông tin nào đó, người học sẽ nắm được ý chính của văn bản hay nắm được những thông tin quan trọng. Việc có mội cái nhìn tổng quan về văn bản sẽ tương đối hữu ích cho quá trình đọc hiểu khi người học quay lại và đọc toàn diện văn bản

Khi đọc về một chủ đề đã hiểu biết và có nhiều kiến thức
Việc đọc đi đọc lại về một chủ đề mà người học đã biết đôi khi là không cần thiết, người học chỉ cần đọc lướt để nắm được ý chính của văn bản và tập trung vào những phần chưa hiểu rõ để có thể tiếp thu được nhiều kiến thức, thông tin hơn.
Khi đang cần ôn tập cho một bài kiểm tra
Lượng kiến thức mà người học phải ôn lại để chuẩn bị cho một bài kiểm tra có thể là tương đối lớn.
Các bạn có thể sử dụng phương pháp Skimming để nắm được những thông tin quan trọng và quyết định xem nên đi sâu vào học phần nào để tiết kiệm thời gian đọc những phần không cần thiết.
Các bước thực hiện Skimming hiệu quả
– Đọc mục lục hoặc phần giới thiệu để nắm bắt những ý chính.
– Đọc tiêu đề và tiêu đề phụ nếu có (heading & sub heading)
– Đọc toàn diện đoạn văn đầu tiên
– Đọc câu mở đầu (topic sentence) của các đoạn còn lại và đọc lướt để tìm ý chính
– Đọc toàn diện đoạn văn cuối cùng

Lưu ý: Trong quá trình đọc lướt để lấy ý chính, các bạn hãy chú ý vào:
– Các câu chủ đề phụ, thường bắt đầu bằng các từ First, second,… hoặc tương tự – nhằm nêu lên những luận điểm cụ thể hơn so với câu chủ đề. Các câu sau đó, nhằm đưa ra luận cứ phát triển, chứng minh cho luận điểm này các bạn có thể đọc lướt qua.
– Các content words – những từ quan trọng chứa nội dung chính của câu như danh từ, động từ, tính từ.
– Các keywords như tên người, địa danh, sự vật hiện tượng, sự kiện.
– Các từ được in đậm, highlight.
Scanning là gì?
Scanning được hiểu là tìm kiếm thật nhanh các từ khoá cụ thể trong bài viết mà không cần phải đọc toàn bộ bài. Các bạn có thể sử dụng Scanning để tìm kiếm những dữ liệu cụ thể để trả lời câu hỏi thay vì tập trung hiểu ý nghĩa của bài.
Nguyên lý của Scanning
Mục đích của kỹ thuật Scanning là tìm thông tin cần thiết thật nhanh để có thể trả lời cho câu hỏi. Kỹ thuật này tập trung vào 2 yếu tố: Cách đọc và nội dung tìm kiếm.
Cách đọc
Kĩ thuật Scanning yêu cầu người đọc chỉ đọc những thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi mà không cần phải đọc hết tất cả các thông tin có trong bài viết. Bên cạnh đó, người đọc cần tìm kiếm những thông tin này một cách nhanh chóng.
Để làm được điều này, người đọc cần có một phương pháp đọc giúp họ vừa nhận diện được thông tin cần thiết giữa vô vàn thông tin và vừa giúp họ đọc thật nhanh.
Nội dung cần tìm kiếm
Nội dung cần tìm kiếm khi Scanning là các nội dung liên quan tới câu hỏi và phục vụ mục đích giúp trả lời câu hỏi.
Để có thể tìm kiếm các nội dung này nhanh, người đọc cần xác định trước các từ khoá thực sự cần thiết khi đọc câu hỏi và đi tìm các từ khoá này trong bài đọc. Các từ khoá quan trọng và cần tìm là các từ khoá thể hiện được trọng tâm và nội dung chính của câu hỏi.

Ba bước để thực hiện Scanning hiệu quả
Bước 1: Đọc kĩ câu hỏi, xác định các từ khóa cần tìm (các bạn có thể gạch chân hoặc khoanh tròn các từ khóa)
Bước 2: Phân loại các từ khoá đã xác định ở bước 1
Việc phân loại từ khoá giúp các bạn ưu tiên thứ tự tìm kiếm thông tin và định vị được vị trí thông tin cần sử dụng nhanh hơn.
Có 2 loại từ khoá mà bạn cần xác định khi đọc và phân tích câu hỏi:
– Từ khoá khó thay thế: Đây là các từ khoá khó có thể bị thay thế hoặc diễn đạt theo một cách khác, các từ khoá này thường được giữ nguyên trong bài đọc. Các từ khoá này thường là tên riêng, địa điểm, ngày, tháng, năm, số liệu.
– Từ khoá có thể lường trước được sự thay thế: Đây là các từ khoá có thể bị thay thế bằng các từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt khác trong bài đọc. Xác định được các từ khoá này giúp các bạn dự đoán được các thay đổi trong cách dùng từ và ngữ pháp của câu.
Bước 3: Ghi nhớ các từ khoá cần tìm, đọc lướt (scanning) văn bản và tìm các từ khoá đó.
Một lưu ý nhỏ là các bạn nên áp dụng phương pháp đọc “ngược” để xác định vị trí của các từ khóa.
Phương thức của đọc ngược là đọc từ dưới lên trên, từ phải qua trái. Ưu điểm của đọc ngược là giúp các bạn có thể tập trung tìm từ khóa của bài cũng như làm \ cho quá trình scanning nhanh hơn, rút ngắn được thời gian hơn.
Tổng kết
Skimming giúp bao trùm thông tin bài đọc còn Scanning sẽ tìm ra ý chính đáp án cho câu hỏi bạn cần. Kết hợp 2 phương pháp này vào các bài đọc hiểu sẽ đem lại kết quả ấn tượng, tiết kiệm thời gian hơn cho bạn.