Để vào các trường đại học quốc tế với chứng chỉ PTE, học sinh cần lưu ý ba mốc điểm quan trọng, đó là PTE 42, 58 và 79, tương đương IELTS 5.5, 6.5 và 8.0.
Tại tọa đàm PTE talks số 3, trên VnExpress ngày 29/7, ông Regan O’Malley – Điều phối viên Học thuật tại Đại học Massey, New Zealand đã chỉ ra ba mốc điểm PTE quan trọng mà học sinh cần nhắm tới khi muốn theo học chương trình dự bị đại học hoặc cử nhân tại các đại học phương Tây.
Cụ thể, PTE 58 (tương đương IELTS 6.5) là một cột mốc quan trọng mà các trường đại học thường yêu cầu. Đây là điều kiện tiếng Anh để sinh viên được nhận thẳng vào đại học, và không phải học các khóa bổ trợ hay dự bị đại học.
Với kinh nghiệm 14 năm giảng dạy các khóa tiếng Anh, diễn giả chia sẻ mức điểm PTE 58 cho thấy sinh viên có đủ khả năng để theo học chương trình cử nhân hoặc thạc sĩ. Các em có thể viết tiếng Anh với ngữ pháp chuẩn và diễn đạt được ý tưởng trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Trong trường hợp trình độ sinh viên ở mức thấp hơn – PTE 42, sẽ cần tham gia một khóa dự bị đại học hoặc khóa tiếng Anh học thuật kéo dài 4-8 tháng tùy khả năng từng người. Cuối khóa, sinh viên đạt số điểm tiếng Anh tương đương trình độ cần thiết sẽ được nhập học.
“Ngược lại, nếu tiếng Anh của bạn cực kỳ tốt, đạt mức PTE 79 hoặc IELTS 8.0, sẽ nằm ở mức thành thạo”, vị chuyên gia cho biết hầu hết sinh viên PTE 79 thường có nhiều trải nghiệm tốt ở bậc đại học. Họ rất năng động trong các buổi thảo luận nhóm lẫn hoạt động ngoại khóa. Thậm chí, họ còn làm gia sư khi đang là sinh viên.
Cũng là diễn giả của tọa đàm, ông Jay Jarrad Merlo (Jay) – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Giáo dục và đào tạo tại E2Language chia sẻ, cả ba cột mốc này đều có một bộ tiêu chí chung, đó là độ phức tạp, độ chính xác và độ trôi chảy. Các bài thi chứng chỉ tiếng Anh đều nhằm mục đích kiểm tra thí sinh 3 yếu tố quan trọng này trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong bài thi PTE, mỗi kỹ năng này được cấu thành từ các kỹ năng nhỏ hơn, gọi là các Enabling Skills.
Các dạng câu hỏi thường gặp trong bài thi PTE
Ông Jarrad Merlo (Jay) cho biết, bài thi PTE Academic kéo dài 2 tiếng, với cấu trúc 3 phần chính và tổng cộng 20 dạng câu hỏi.
Phần Nói và Viết gồm các dạng câu hỏi là Personal Introduction (giới thiệu bản thân – không tính điểm), Read Aloud (đọc thành tiếng); Repeat Sentence (lặp lại câu); Describe Image (miêu tả hình ảnh); Re-tell Lecture (thuật lại bài giảng); Answer Short Question (trả lời câu hỏi ngắn); Summarize Written Text (tóm tắt đoạn văn); Essay (bài luận).
Phần Đọc gồm các dạng câu hỏi là Reading & Writing: Fill in the Blanks (đọc và viết: điền vào chỗ trống); Multiple Choice, Multiple Answer (trắc nghiệm nhiều đáp án); Re-order Paragraphs (sắp xếp đoạn văn); Fill in the Blanks (điền vào chỗ trống); Multiple Choice, Single Answer (trắc nghiệm một đáp án).
Cuối cùng là phần Nghe với các dạng câu hỏi như Summarize Spoken Text (tóm tắt bài nói); Multiple Choice, Multiple Answers (Trắc nghiệm nhiều đáp án); Fill in the Blanks (nghe: điền vào chỗ trống); Highlight Correct Summary (chọn tóm tắt đúng); Multiple Choice, Single Answer (trắc nghiệm một đáp án); Select Missing Word (chọn từ còn thiếu); Highlight Incorrect Words (chọn từ sai).
Diễn giả Jay cũng lưu ý, nhiều học viên thích áp dụng quy luật 80/20 (dồn 80% nỗ lực vào 20% câu quan trọng nhất). “Tuy nhiên, bài thi PTE được thiết kế để không cho thí sinh áp dụng được quy luật đó, bởi các dạng câu hỏi đều quan trọng như nhau”, ông nói.
Chiến lược làm bài hiệu quả cho từng mốc điểm
Trong khuôn khổ tọa đàm, hai diễn giả “bắt bệnh” và chia sẻ về chiến lược hiệu quả cho từng mốc điểm, dựa trên khả năng ngôn ngữ đặc trưng của trình độ đó.
Ở cột mốc đầu tiên PTE 42 (tương đương IELTS 5.5), diễn giả Jay cho biết, học viên trình độ này thường có những khó khăn chung về kỹ năng viết, cụ thể là cấu trúc bài, từ vựng, đặc biệt là không dùng được collocation (kết hợp từ).
“Học viên nên tìm hiểu và phát triển thêm các collocation của tiếng Anh, bởi các thuật toán chấm PTE bài thi nói và viết sẽ dựa trên danh sách những cụm từ tự nhiên này”, vị chuyên gia lưu ý và cho biết PTE có một danh sách đầy đủ các cụm collocation trên mạng, học viên chỉ cần search “PTE collocation word list” là sẽ thấy”.
Cũng theo vị chuyên gia này, để bài viết đạt điểm cao, thí sinh thuộc trình độ này không nên quá cố gắng dùng ngữ pháp hay từ vựng phức tạp, mà hãy chuẩn chỉnh trong cấu trúc chung của bài viết và sử dụng ngôn ngữ vừa sức mình để hạn chế lỗi sai không đáng có.
Đọc thêm: 20 dạng bài của kỳ khảo thí tiếng Anh PTE
Với những học viên muốn đạt mốc PTE 58, diễn giả Jay chia sẻ, từ PTE 42 (IELTS 5.5) đến PTE 58 (IELTS 6.5) là một “cú nhảy” vượt bậc, khác hoàn toàn các cú nhảy nhỏ giữa các band điểm thấp, vì lúc này người học đã đến được đoạn giữa của cả thang điểm. Ở mức này, bên cạnh việc được đánh giá trên 3 yếu tố phức tạp, chính xác, và độ trôi chảy, thí sinh nên lưu ý tới việc phát triển ý tưởng của bài viết, sao cho tinh tế hơn.
“Nếu ở trình độ PTE 42, bức tranh của bạn thuộc trường phái trừu tượng, hơi méo mó thì ở trình độ PTE 58, bức tranh của bạn nên thuộc trường phái ấn tượng, với những nét vẽ chi tiết hơn, tuy chưa sắc bén như ảnh chụp nhưng đường nét rất rõ ràng. Nói cách khác, vốn từ của bạn ở trình độ này cần đủ tinh vi và sắc sảo để vẽ nên một bức tranh rõ nét trong tâm trí người đọc”, vị diễn giả ví von.
Ngoài ra, ở trình độ này, học viên nên tích cực tìm đọc các bài báo và các tạp chí vì chúng được viết bởi các phóng viên, những người này đa số là người dân bản ngữ, và những mẫu câu họ viết thường sẽ tự nhiên và tinh tế.
Với mức điểm PTE 79 hay IELTS 8.0, chuyên gia cho biết đây là trình độ cao cấp, gần như không còn rào cản ngôn ngữ nào khi giao tiếp với người bản ngữ. Trình độ này đòi hỏi một quá trình sử dụng tiếng Anh như sinh ngữ trong cuộc sống, phải thực sự sống với tiếng Anh mỗi ngày; nghe – nói – đọc – viết bằng tiếng Anh mỗi ngày. Nếu chỉ xem tiếng Anh như một môn học thông thường, thì sẽ khó có thể đạt được trình độ này, ông nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về các sinh viên quốc tế đạt trình độ PTE 79, ông Regan cho biết họ có nhiều lợi thế và dễ dàng thích nghi với môi trường mới hơn. Tuy nhiên, bên cạnh khả năng ngôn ngữ, sinh viên cần lưu ý trang bị thêm các kỹ năng học thuật quan trọng ở bậc đại học , như tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình… “Làm tốt những điều này sẽ giúp sinh viên dễ dàng thành công ở môi trường học thuật phương Tây”, ông nói.
Nguồn: Thế Đan – VnExpress