Các thông tin mới nhất về chứng chỉ tiếng Anh PTE cũng như lợi ích của du học sinh khi sở hữu chứng chỉ này sẽ được diễn giả chia sẻ tại PTE Talks số 1, công chiếu ngày 1/7.
Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là văn bằng quan trọng và cần thiết trong công việc hoặc đáp ứng yêu cầu du học, hay đầu ra của các trường đại học trên thế giới.
Chứng chỉ tiếng Anh có nhiều loại như chứng chỉ VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) (A1, A2, B1, B2, C1, C2), chứng chỉ Cambridge, Chứng chỉ TOEIC (Test of English for International Communication), chứng chỉ TOEFL (Test of English as a Foreign Language), chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System), hay chứng chỉ PTE (Pearson’s Test of English)… Mỗi loại chứng chỉ sẽ có cấp độ khó phù hợp với từng mục đích khác nhau trong học tập, công việc và định cư.
Trong đó 3 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được chấp nhận cho điều kiện tiếng Anh đầu vào của các đại học trên thế giới là IELTS, TOEFL và PTE Academic. Nếu như những bài thi tiếng Anh khác đã xuất hiện 30-40 năm, thì PTE mới hơn 10 tuổi, còn khá trẻ trong lĩnh vực khảo thí nhưng lại sở hữu nhiều ưu điểm cũng như điểm khác biệt thú vị. Để giúp độc giả hình dung rõ hơn về chứng chỉ quốc tế này, số đầu tiên của PTE talks sẽ bàn về chủ đề “PTE mở rộng cánh cửa du học đại học top 1% thế giới”.
Tại tọa đàm, các diễn giả là Giáo sư Yi-Chen Lan – Phó hiệu trưởng, Phát triển toàn cầu, Đại học Western Sydney và ông Matthew Lampkin – Giám đốc Quan hệ Chính phủ & Hợp tác Quốc tế Châu Á, Pearson, PTE Academic sẽ chia sẻ về PTE cũng như sự khác biệt và tính ưu việt của kỳ thi này. Qua đó giúp độc giả làm quen và có cái nhìn đầy đủ nhất về chứng chỉ tiếng Anh của tập đoàn giáo dục hàng đầu thế giới – Pearson. Người điều phối tọa đàm là chị Tú Mỹ – Điều phối chương trình tiếng Anh Du học EFU.
Phần đầu tọa đàm với nội dung “Sự phổ biến của kỳ thi PTE”, giáo sư Yi-Chen Lan chia sẻ yêu cầu tiếng Anh đầu vào của những trường đại học hàng đầu thế giới, mà trong đó kỳ thi PTE Academic là một trong “tam đại bài thi”được công nhận rộng rãi. Ông Matthew sẽ miêu tả thêm về kỳ thi PTE, cũng như cách thức hoạt động của kỳ thi này, đặc biệt là lý do các trường đại học thuộc top 1% thế giới chấp nhận PTE. Cũng vì lý do đó, trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam, số lượng thí sinh chọn thi PTE Academic để vào đại học tăng mạnh trong những năm gần đây, theo quan sát của các diễn giả.
“Kỳ thi PTE chuẩn bị cho việc học và cuộc sống của du học sinh như thế nào” là nội dung chính trong phần hai của tọa đàm. Với kinh nghiệm là du học sinh quốc tế tại Australia, sau đó trở thành giảng viên và quản lý tại Đại học Western Sydney, GS Yi-Chen sẽ chỉ ra những vấn đề thực tế gây khó khăn cho các du học sinh Việt Nam trong thời gian đầu hòa nhập văn hóa học thuật phương Tây, thậm chí là với những bạn có điểm tiếng Anh tốt. Từ đó hai diễn giả cùng chia sẻ cách PTE bổ trợ những kỹ năng giúp các bạn rút ngắn quá trình hội nhập này ra sao…
Phần ba của tọa đàm sẽ xoay quanh nội dung “Chuẩn bị và đăng ký thi PTE”. Các chuyên gia sẽ thông tin thêm về khoá học và trung tâm thi Pearson, PTE Academic tại Việt Nam cũng như trung tâm thi PTE và khoá học PTE của Đại học Western Sydney, Australia.
Giáo sư Yi-Chen Lan là Phó hiệu trưởng (Phát triển toàn cầu), Đại học Western Sydney. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy các khóa học về phát triển hệ thống, hệ thống thông tin và quản lý, tiếp thị kinh doanh điện tử toàn cầu, quản lý môi trường và quản lý dự án cả bậc đại học và sau đại học; 5 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao trong lĩnh vực Hệ thống thông tin và Bảo đảm chất lượng cho các tổ chức đa quốc gia.
Tháng 5/2014, ông được ĐH Kinh tế TP HCM trao bằng Tiến sĩ Kinh tế danh dự vì những đóng góp đối với việc phát triển giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Ông Matthew Lampkin là Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Hợp tác Quốc tế châu Á, Tập đoàn giáo dục Pearson, PTE Academic.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục quốc tế, ông đã làm việc và hợp tác với nhiều cơ quan chính phủ, các trường đại học, các cơ sở giáo dục và hiệp hội nghề nghiệp trong việc khảo thí tiếng Anh quốc tế nhằm hỗ trợ sinh viên có nguyện vọng tiếp cận các cơ hội học tập trên khắp thế giới.
Nguồn: Thế Đan – VnExpress